Đa dạng cách tiết kiệm điện tại châu Âu
Để tiết kiệm điện, một số nơi tắt chiếu sáng công cộng, tắm nước lạnh và dự kiến đón Giáng Sinh đơn giản với ít đèn trang trí và nhà thờ hơn.
Dù kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã kịp tiến độ lấp đầy trước mùa đông và một số nước tăng công suất các nguồn điện khác như nhiệt điện than hay hạt nhân, nhiều nước EU vẫn đang tích cực triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm điện khác nhau để đảm bảo vượt khủng hoảng thành công.
Đan Mạch: Giảm trang trí Giáng Sinh
Một số người ở Đan Mạch đã quyết định ăn mừng lễ Giáng sinh đơn giản hơn. Chính quyền địa phương ở thủ đô Copenhagen có kế hoạch giảm bớt đèn Giáng sinh, chỉ bật đèn từ 15h đến 21h và trì hoãn việc sử dụng chúng trong hai tuần.
Họ hy vọng sẽ giảm 60% mức tiêu thụ năng lượng của đồ trang trí so với năm ngoái, như một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm tiết kiệm nhiên liệu và điện trong khu vực công.
Những nơi khác tự chịu trách nhiệm cắt giảm. Ví dụ, khách sạn 5 sao d’Angleterre ở ngay trung tâm thủ đô quyết định hủy bỏ màn trình diễn ánh sáng phức tạp như truyền thống. Các năm trước, đây là điểm nhấn mùa Giáng sinh của thành phố.
Phần Lan: Dùng phòng xông hơi ít hơn
Mùa đông năm nay ở Phần Lan có thể lạnh hơn một chút. Đó là do chính quyền Helsinki phát động chiến dịch vận động ít nhất 95% hộ gia đình tiết kiệm năng lượng và giảm mức sử dụng điện trong suốt thời gian cao điểm.
Cụ thể, họ được khuyến khích giảm nhiệt độ sưởi, tắm nhanh hơn và dành ít thời gian hơn trong phòng xông hơi. Xông hơi vốn là một nét văn hóa của người Phần Lan.
“Mọi người không cần bật phòng xông hơi mỗi ngày, có thể chỉ một lần một tuần. Chúng tôi hy vọng tất cả tự nguyện làm theo các khuyến nghị và hiểu rõ tình hình rằng chúng ta đang bước vào một mùa đông khó khăn”, Kati Laakso, Phát ngôn viên công ty về năng lượng quốc doanh Motiva, chia sẻ.
Các công ty tư nhân đang thực hiện theo. Chuỗi phòng gym Elixia bắt đầu hạn chế thời gian hoạt động các phòng xông hơi, nhằm tiết kiệm điện.
Và như một phần trong nỗ lực, thủ đô Helsinki cắt giảm thuế và trợ cấp cho các hóa đơn điện. Chính quyền thành phố hy vọng chiến dịch này sẽ đạt được mức giảm tiêu thụ năng lượng vĩnh viễn.
Pháp: Giảm nhiệt độ hồ bơi
Pháp công bố 15 biện pháp hàng đầu cắt giảm tiêu thụ năng lượng. Chúng gồm một số cách như: nhiệt độ sưởi tối đa các tòa nhà và văn phòng là 19 độ C; không bật nước nóng trong các tòa nhà công cộng; không chiếu sáng đèn các biển quảng cáo suốt đêm; cấm các cửa hàng có máy sưởi hoặc máy lạnh để cửa mở; giảm nhiệt độ ở các phòng tập thể dục và trong các bể bơi.
Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher kêu gọi “tổng động viên” cả nước nhằm đạt mục tiêu giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng so với năm 2019. Bà miêu tả điều này như là bước đầu tiên trong mục tiêu đạt được mức cắt giảm 40% vào năm 2050 theo khuyến nghị của các chuyên gia khí hậu để đạt được trung hòa carbon.
Tuy nhiên, vẫn có lo ngại rằng các biện pháp này không giúp đạt được mục tiêu và không khuyến khích tiết kiệm điện. “Yêu cầu mọi người giảm sưởi ấm về cơ bản không làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Cuộc khủng hoảng này sẽ chẳng thể biến mất trong vài tháng tới. Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn để thực sự giảm mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch”, Ines Bouacida, Nhà nghiên cứu khí hậu ở tổ chức tư vấn IDDRI, nhận định.
Đức: Tắt đèn và tắm nước lạnh
Đức vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga nên bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng. Do đó, các thành phố trên khắp đất nước đang giảm bớt đèn.
Từ ngày 1/9, tất cả đài tưởng niệm công cộng, hội trường thành phố, tòa nhà hành chính, thư viện và bảo tàng ở Berlin chỉ thắp sáng từ 16h đến 22h. Điều này khiến các địa danh quan trọng như Đại học Humboldt, Bảo tàng Lịch sử Đức và Cổng Brandenburg hoàn toàn chìm trong bóng tối.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với khu vực tư nhân. Các biển quảng cáo cũng bị buộc phải tắt đi. Chính sách tắt đèn này là một phần trong nỗ lực toàn quốc, và được ghi nhận trong đạo luật bảo tồn năng lượng mới.
Ở Hanover, chỉ những phòng tắm nước lạnh ở các cơ sở công cộng như bể bơi, phòng thể thao và phòng tập thể dục mới được sử dụng. Nhân viên nhà nước đều phải rửa tay bằng nước lạnh. Các đài phun nước công cộng bị tắt đi. Các hồ bơi của thành phố này sẽ không còn được làm nóng bằng khí đốt.
Italy: Đề xuất đổi cách nấu món pasta
Vào tháng 9, Nhà vật lý học người Italy đạt giải Nobel 2021 Giorgio Parisi, đề xuất người dân tắt bếp sau khi nước sôi trong quy trình nấu món pasta nhằm tiết kiệm điện. Trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội, chuyên gia 74 tuổi này khẳng định cách này có thể tiết kiệm ít nhất 8 phút tiêu thụ năng lượng.
“Điều quan trọng nhất là phải đậy nắp, rất nhiều nhiệt thất thoát thông qua quá trình bay hơi. Sau khi luộc mì, tôi mở bếp ở mức nhỏ nhất, nên nó chỉ sôi lăn tăn mà không hao tốn năng lượng”, ông cho biết.
Thay đổi phương pháp nấu ăn có vẻ không đáng kể, nhưng vẫn có thể có tác động lớn. Một người Itlay trung bình tiêu thụ khoảng 23,5 kg pasta hàng năm, điều này đòi hỏi một lượng lớn khí đốt để đun nước và giữ cho nó ở nhiệt độ sôi.
Nhiều người Italy từ chối làm theo cách này và dùng mạng xã hội chia sẻ sự bất đồng quan điểm. “Đó sẽ là một thảm họa. Hãy để việc nấu ăn cho các đầu bếp trong khi các nhà vật lý làm các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm”, Đầu bếp Luigi Pomata, bình luận.
Tây Ban Nha: Không để cửa mở để tránh thoát nhiệt
Vào tháng 8, quốc hội Tây Ban Nha thông qua các quy tắc tiết kiệm năng lượng mới. Theo đó, điều hòa trong các tòa nhà công cộng, chẳng hạn cửa hàng, nhà hàng, văn phòng và rạp chiếu phim được giới hạn ở mức 27 độ trong suốt mùa hè, trong khi ở những tháng lạnh hơn không thể vượt mức 19 độ.
Ban đầu quy tắc này cũng được áp dụng trong nhà ở, sau đó được miễn do làn sóng phản đối kịch liệt từ công chúng.
Một quy tắc mới khác là tất cả cơ sở có hệ thống sưởi phải có cơ chế đóng cửa tự động để tránh lãng phí do khí nóng hoặc khí lạnh tràn vào. Điều này lại làm dấy lên cuộc tranh cãi ở Tây Ban Nha.
Bởi lẽ, cửa tự động đóng rất có vấn đề trong suốt thời gian đại dịch nên các nhà hàng phải đầu tư tiền để thay chúng nhằm thực hiện chiến lược để cửa mở cho thông thoáng. Với yêu cầu mới, họ lại phải thay nó lần nữa. Hiện chỉ có 10% doanh nghiệp lắp đặt cửa tự động theo yêu cầu mới do chi phí và thiếu thời gian. Chi phí để thi công có thể tốn 1.500 – 4.700 euro.
Ngoài ra, các cửa hàng cũng được yêu cầu tắt đèn từ 22h. Các chính trị gia cánh hữu phản đối biện pháp này. Lãnh đạo đảng dân túy Isabel Díaz Ayuso của Madrid hứa hẹn thủ đô Tây Ban Nha sẽ không tắt đèn. Theo bà, lựa chọn này “gây ra bất an, nghèo đói và buồn bã”.
Thụy Điển: Tạm đóng bớt nhà thờ
Thụy Điển đang tạm đóng một số nhà thờ vào tháng 9, trong khi các nhà thờ còn mở cửa phải tắt hệ thống sưởi. Người phát ngôn Giáo hội Thụy Điển Martin Larsson nói không thể biết chắc chắn có bao nhiêu nhà thờ sẽ bị ảnh hưởng vì các giáo xứ riêng lẻ không có nghĩa vụ báo cáo với các quan chức quốc gia. Tuy nhiên, ông ước tính con số này “lên đến hàng trăm”, đặc biệt là ở miền nam.
Cũng theo ông Martin Larsson, các giám mục hiểu rõ tình hình này, nhưng đồng thời cũng lo lắng trong việc giúp mọi người có khả năng dự thánh lễ tại các nhà thờ gần nơi họ sống. Các giáo sĩ khác lo ngại việc đóng cửa có thể ảnh hưởng đến người đi nhà thờ trong thời điểm ngày càng có nhiều người tìm đến họ xin được giúp đỡ.